Mặc dù một hệ thống điều hòa tổng có thể là tốt nhất với một số hộ gia đình, tuy nhiên chúng lại có giá khá đắt và lắp đặt phức tạp. Chi phí vận hành điều hòa tổng cũng tốn kém hơn nhiều so với điều hòa phòng nhỏ hơn. Vì lý do này, khi chỉ có một phòng hoặc một khu vực nhất định trong nhà cần làm mát, thì điều hòa phòng có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Song có một vài dạng điều hòa phù hợp cho làm mát một phòng riêng hoặc một khu vực, do đó không nên quyết định việc mua điều hòa một cách vội vàng.
CÁC LOẠI ĐIỀU HÒA NHIỆT ĐỘ
Dạng điều hòa nhiệt độ phòng bạn cần phụ thuộc vào cách cài đặt bạn chuẩn bị và bạn muốn đặt nó ở đâu. Trên thị trường hiện có hai dạng điều hòa phổ biến dành cho hộ gia đình:
Điều hòa dạng cửa sổ (1 cục) – dạng điều hòa phổ biến và kinh tế nhất. Máy điều hòa dạng cửa sổ thường được lắp đặt trên tường trông giống như các cửa sổ nên được gọi là máy điều hòa không khí dạng cửa sổ. Về cấu tạo điều hoà dạng cửa sổ là một tổ máy lạnh được lắp đặt hoàn chỉnh thành một khối chữ nhật tại nhà máy sản xuất, trên đó có đầy đủ dàn nóng, dàn lạnh, máy nén lạnh, hệ thống đường ống ga, hệ thống điện và ga đã được nạp sẵn. Người lắp đặt chỉ việc đấu nối điện là máy có thể hoạt động và sinh lạnh.
Máy điều hoà dạng cửa sổ là máy điều hoà có công suất nhỏ nằm trong khoảng 7.000 BTU/h ÷ 24.000 BTU/h với các model chủ yếu: 7.000, 9.000, 12.000, 18.000 và 24.000 Btu/h. Tuỳ theo hãng sản xuất mà số model có thể nhiều hay ít. Tuy nhiên, tất cả các công suất nêu trên là công suất danh định, công suất thật của máy có thể sai khác chút ít tuỳ theo chế độ làm việc và từng hãng máy khác nhau.
Về chủng loại, máy điều hoà cửa sổ có 2 dạng: chỉ làm lạnh (máy 1 chiều) và vừa làm lạnh vừa sưởi ấm (máy 2 chiều). Ở máy 2 chiều nóng lạnh có cụm van đảo chiều cho phép hoán đổi vị trí dàn nóng và dàn lạnh vào các mùa khác nhau trong năm.
Ưu điểm:
– Dễ dàng lắp đặt và sử dụng;
– Giá thành tính trung bình cho một đơn vị công suất lạnh thấp;
– Đối với gia đình có nhiều phòng riêng biệt, sử dụng máy điều hoà cửa sổ rất kinh tế, chi phí đầu tư và vận hành đều thấp.
Nhược điểm:
– Công suất bé, tối đa là 24.000 BTU/h;
– Đối với các toà nhà lớn, khi lắp đặt máy điều hòa dạng cửa sổ thì sẽ phá vỡ kiến trúc và làm giảm vẻ mỹ quan của công trình do số lượng các cụm máy quá nhiều;
– Dàn nóng xả khí nóng ra bên ngoài nên chỉ có thể lắp đặt trên tường bao. Đối với các phòng nằm sâu trong công trình thì không thể sử dụng máy điều hoà cửa sổ, nếu sử dụng cần có ống thoát gió nóng ra ngoài rất phức tạp. Tuyệt đối không nên xả gió nóng ra hành lang vì như vậy sẽ tạo ra độ chênh nhiệt độ rất lớn giữa không khí trong phòng và ngoài hành lang, nguy hiểm cho người sử dụng đi vào và ra phòng;
– Kiểu loại không nhiều nên người sử dụng khó khăn lựa chọn. Hầu hết các máy có bề mặt bên trong khá giống nhau nên về mặt thẩm mỹ không có nhiều lựa chọn.
Điều hòa kiểu rời (2 cục): Để khắc phục nhược điểm của máy điều hoà cửa sổ là không thể lắp đặt cho các phòng nằm sâu trong công trình và sự hạn chế về kiểu mẩu, chủng loại, các nhà sản xuất cho ra đời máy điều hoà kiểu rời, ở đó dàn nóng và dàn lạnh được tách thành hai khối.
Máy điều hòa kiểu rời gồm 2 cụm dàn nóng (Outdoor Unit) và dàn lạnh (Indoor Unit) được bố trí tách rời nhau. Nối liên kết giữa 02 cụm là các ống đồng dẫn môi chất và dây điện điều khiển.
Máy điều hoà kiểu rời có công suất từ 9.000 BTU/h ÷ 60.000 BTU/h, bao gồm chủ yếu các model sau: 9.000, 12.000, 18.000, 24.000, 36.000, 48.000 và 60.000 BTU /h. Tuỳ theo từng nhà sản xuất mà số model có khác nhau.
Ưu điểm
– So với máy điều hòa cửa sổ, máy điều hòa rời cho phép lắp đặt ở nhiều không gian khác nhau.
– Có nhiều kiểu loại dàn lạnh cho phép người sử dụng có thể chọn loại thích hợp nhất cho công trình cũng như ý thích cá nhân.
– Do chỉ có 2 cụm nên việc lắp đặt tương đối dễ dàng.
– Giá thành rẻ
– Rất tiện lợi cho các không gian nhỏ hẹp và các hộ gia đình.
– Dễ dàng sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa.
Nhược điểm
– Công suất hạn chế, tối đa là 60.000 Btu/h.
– Độ dài đường ống và chênh lệch độ cao giữa các dàn bị hạn chế.
– Giải nhiệt bằng gió nên hiệu quả không cao, đặc biệt những ngày trời nóng
– Đối với công trình lớn, sử dụng máy điều hoà rời rất dễ phá vỡ kiến trúc công trình, làm giảm mỹ quan của nó, do các dàn nóng bố trí bên ngoài gây ra. Trong một số trường hợp rất khó bố trí dàn nóng.
– Theo chế độ làm việc, điều hoà kiểu rời được tách thành hai loại máy 1 chiều và máy 2 chiều.
– Theo đặc điểm của dàn lạnh có thể chia ra: Máy điều hoà gắn tường, đặt nền, áp trần, dấu trần, cassette, máy điều hoà kiểu vệ tinh.
Dàn lạnh (Indoor Unit) được đặt bên trong phòng, là dàn trao đổi nhiệt kiểu bề mặt và phổ biến nhất là kiểu ống đồng cánh nhôm. Dàn lạnh có trang bị quạt kiểu ly tâm (lồng sóc). Dàn lạnh có nhiều dạng khác nhau cho phép người sử dụng có thể lựa chọn kiểu phù hợp với kết cấu tòa nhà và không gian lắp đặt, trong đó có ba dạng phổ biến dành cho hộ gia đình như sau:
Dàn lạnh đặt sàn (Floor Standing)
Loại đặt sàn có cửa thổi gió đặt phía trên, cửa hút đặt bên hông, phía trước. Loại này thích hợp cho không gian hẹp, nhưng trần cao.
Dàn lạnh treo tường (Wall mounted)
Đây là dạng dàn lạnh phổ biến nhất, nó được lắp đặt trên tường, có cấu tạo rất đẹp, gió phân bố đều trong phòng. Máy điều hoà dạng treo tường thích hợp cho phòng cân đối, không khí được thổi ra ở cửa nhỏ phía dưới và hút về ở phía cửa hút nằm ở phía trên. Cửa thổi có cánh hướng dòng, có thể cho đứng yên hoặc chuyển động chao qua lại, tuỳ theo sở thích của người sử dụng
Dàn lạnh áp trần (Under Ceiling, Ceiling suspended)
Loại áp trần được lắp đặt áp sát laphông. Dàn lạnh áp trần thích hợp cho các công trình có trần thấp và rộng. Gió được thổi ra đi sát trần, gió hồi về phía dưới dàn lạnh.
BẠN NÊN CHỌN LOẠI ĐIỀU HÒA NÀO?
Thực sự là phụ thuộc liệu bạn muốn làm mát một phòng hay toàn bộ căn nhà. Nếu bạn sống trong một ngôi nhà nhỏ hoặc căn hộ, điều hòa dạng cửa sổ là phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Nhưng nếu bạn có một phòng nơi không có cửa sổ hoặc vì lý do nào đó điều hòa không khí không thể vừa lắp được vào cửa sổ; hoặc bạn cần giữ cho độ ồn thấp thì bạn có thể muốn dạng điều hòa 2 cục, mặc dù điều hòa này có thể đắt hơn một chút.
Công suất làm mát bao nhiêu là phù hợp?
Các nhà sản xuất thường có đưa ra khuyến nghị công suất (đơn vị công suất của điều hòa được đo bằng BTU) với diện tích phòng cần làm mát đối với mỗi mẫu điều hòa, và mua điều hòa đủ năng lực làm mát phòng là rất quan trọng.
Công suất làm mát được tính bằng BTU/giờ. Con số càng cao, điều hòa càng mạnh. Một phòng nhỏ khoảng 20m2 có thể chỉ cần điều hòa 9.000 BTU hoặc 12.000 BTU/giờ.
Dưới đây là phép tính BTU hợp với diện tích (tiêu chuẩn phòng cách nhiệt tốt):
Phòng nhỏ: 5.000 – 6.000 BTU cho phòng từ 10-28m2.
Phòng cỡ trung bình: 7.000 – 8.200 BTU cho 24-52m2.
Phòng lớn: 9.800 đến 12.500 BTU cho 32-88 m2.
Tuy nhiên, cỡ phòng không phải là yếu tố duy nhất quyết định công suất điều hòa. Có nhiều yếu tố khác cần cân nhắc, gồm:
Số và kích cỡ cửa sổ
Độ cao của phòng
Hướng phòng
Bóng râm
Cách nhiệt phòng tốt thế nào
Bao nhiêu người sử dụng phòng
Đồ gia dụng nào (máy tính, TV) có trong phòng.
Nên lưu ý việc chọn công suất điều hòa phù hợp rất quan trọng. Điều hòa quá nhỏ có thể không có khả năng để làm mát phòng vào một ngày nóng. Điều hòa công suất quá lớn sẽ tốn tiền điện.
NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI CHỌN ĐIỀU HÒA:
Tiết kiệm điện: Tìm chọn các mẫu có nhãn EnergyStar và Hệ số lạnh EER cao
Một chiếc điều hòa đạt tiêu chuẩn EnergyStar sẽ tiết kiệm cho bạn khoảng 30% chi phí tiền điện so với máy điều hòa không đạt tiêu chuẩn này. Bạn nên cân nhắc đến tỷ lệ sử dụng điện hiệu quả (EER). EER là tỷ lệ hiệu quả năng lượng, là biện pháp tính hiệu quả một chiếc điều hòa là như thế nào. Số càng cao, điều hòa càng hiệu quả và đỡ tốn điện. Các điều hòa nhỏ hiện có chỉ số EER hàng đầu khoảng 11, còn điều hòa lớn có hiệu quả nhất có chỉ số EER là khoảng 13.
Các điều hòa được chứng nhận bởi Hiệp hội các nhà sản xuất đồ gia dụng Mỹ (AHAM) có nhãn hiệu EER. Con số này càng cao thì chi phí tiền điện chạy điều hòa càng ít. Do đó, một chiếc điều hòa có tỷ lệ EER là 11 sẽ tốn ít điện hơn so với điều hòa có tỷ lệ EER là 6. Kết hợp cả tỷ lệ EER cao và nhãn hiệu EnergyStar thì bạn sẽ có chiếc điều hòa mới hiệu quả năng lượng nhất.
Độ ồn (Dàn nóng/dàn lạnh)
Các nhà sản xuất đang cố gắng giảm độ ồn của điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, bạn vẫn nên chú ý đến độ ồn khi vận hành máy nếu như không muốn bị mất ngủ hoặc hàng xóm than phiền vì tiếng ồn do máy phát ra. Cách kiểm tra độ ồn của điều hòa bạn định mua là tìm thông số Độ ồn (Dàn nóng/dàn lạnh) có trong cuốn sách hướng dẫn đi kèm. Lưu ý, tỷ lệ tiếng ồn càng thấp, máy chạy càng êm.
Các tính năng điều hòa nhiệt độ tốt nhất
• Điều khiển điện tử làm cho điều hòa dễ dàng cài đặt chế độ
• Điều khiển từ xa bổ sung sự tiện lợi, đặc biệt vào buổi đêm
• Các chế độ ngủ hoặc tiết kiệm điện giữ cho phòng thoải mái trong khi vẫn tiết kiệm được chi phí điện
• Tự động khởi động lại là tính năng cần thiết. Trong trường hợp mất điện, điều hòa có tính năng này sẽ tự động khởi động lại sau khi có điện mà không làm hại đến máu.
• Tuân thủ tiêu chuẩn EnergyStar và tỷ lệ EER cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí
• Cài đặt khởi động hẹn giờ là lý tưởng làm mát phòng ngay trước khi bạn về nhà
• Bộ lọc có thể dễ dàng truy cập để thay thế hoặc làm sạch
• Bộ cài đặt dễ dàng
• Có thể điều chỉnh điều khiển hướng đa chiều
• Nếu bạn cần điều hòa không khi ở tận diện tích hẹp cuối góc phòng dài, thì tìm điều hòa có điều khiển quạt “Power Thrust” hoặc “Turbo” thổi không khí mát xa hơn trong phòng.
Theo kinhnghiemmua.com